Tàu vũ trụ Odyssey của NASA, nhiệm vụ hoạt động lâu nhất ở sao Hỏa, quay quanh hành tinh đỏ lần thứ 100.000 hôm 1/7. Để kỷ niệm cột mốc này, NASA chia sẻ ảnh toàn cảnh Olympus Mons, núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời mà tàu Odyssey chụp hồi tháng 3. Phần chân núi lửa trải dài 600 km gần xích đạo sao Hỏa trong khi đỉnh núi vươn cao 27 km giữa bầu khí quyển mỏng của hành tinh. Các nhà thiên văn học phát hiện sương giá buổi sáng bao phủ đỉnh núi lửa vài giờ mỗi ngày, cung cấp hiểu biết mới về cách băng từ vùng cực tuần hoàn trên hành tinh cằn cỗi này.
Trong ảnh núi lửa mới nhất của Odyssey, dải màu trắng xanh vắt ngang qua Olympus Mons hé lộ lượng bụi trôi nổi trong khí quyển sao Hỏa ở thời điểm chụp, theo NASA. Lớp màu tím mỏng ở phía trên núi lửa nhiều khả năng là sự kết hợp giữa bụi trong khí quyển với những đám mây chứa băng nước có sắc xanh. Lớp màu xanh dương – xanh lá cây ở trên cùng đánh dấu các đám mây chứa băng nước đạt tới độ cao khoảng 48 km phía trên bề mặt sao Hỏa.
Để chụp ảnh toàn cảnh, các nhà khoa học chỉ đạo tàu Odyssey quay chậm để camera chĩa về hướng chân trời sao Hỏa, tương tự cách trạm Vũ trụ Quốc tế chụp ảnh Trái Đất. “Thông thường, chúng ta thấy Olympus Mons dưới dạng những dải hẹp từ trên cao, nhưng khi hướng tàu vũ trụ về phía đường chân trời, chúng ta có thể thấy ngọn núi lớn tới mức nào so với quang cảnh xung quanh trong một bức ảnh. Bức ảnh không chỉ tuyệt vời mà còn cung cấp dữ liệu khoa học độc đáo”, Jeffrey Plaut, nhà khoa học trong dự án Odyssey ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) tại California, chia sẻ.
Thông qua chụp nhiều bức ảnh tương tự ở những thời gian khác nhau trong năm, các nhà khoa học có thể nghiên cứu khí quyển sao Hỏa thay đổi như thế nào qua 4 mùa trên hành tinh, mỗi mùa kéo dài từ 4 tới 7 tháng. Họ cho biết việc chuẩn bị cho bức ảnh mới nhất bắt đầu từ năm 2008, khi một nhiệm vụ khác của NASA tên Phoenix hạ cánh trên sao Hỏa. Khi Odyssey, giữ vai trò liên lạc giữa tàu đổ bộ và Trái Đất, chĩa ăngten vào tàu Phoenix, nhóm nghiên cứu nhận thấy camera của nó có thể quan sát đường chân trời của sao Hỏa.
Nhiệm vụ Odyssey phóng vào tháng 4/2001 và do JPL quản lý. Đây là nhiệm vụ tới sao Hỏa thành công đầu tiên của NASA sau hai thất bại trước đó. Năm 1998, tàu bay quanh quỹ đạo Mars Climate bốc cháy trong khí quyển sao Hỏa sau khi các kỹ sư trong nhiệm vụ nhầm lẫn dữ liệu giữa hai hệ thống đo. Một năm sau, tàu đổ bộ Mars Polar đâm xuống bề mặt sao Hỏa do động cơ dừng hoạt động đột ngột trước khi tiếp đất.
Tàu Odyssey tiến vào quỹ đạo quanh sao Hỏa trong tháng 10/2001, hé lộ nguồn dự trữ băng nước bên dưới bề mặt hành tinh mà những phi hành gia tương lai có thể tiếp cận. Tàu vũ trụ cũng lập bản đồ bề mặt hành tinh đỏ, bao gồm các miệng hố, giúp giới thiên văn học tìm hiểu lịch sử sao Hỏa.
Cột mốc 100.000 lần quay quanh quỹ đạo gần đây của tàu vũ trụ có nghĩa con tàu đã bay 2,2 tỷ km. Tàu vũ trụ hoạt động nhờ năng lượng mặt trời không có đồng hồ đo nhiên liệu, vì vậy đội phụ trách nhiệm vụ dựa vào kỹ năng tính toán để ước tính lượng nhiên liệu còn sót lại. Tính toán gần đây cho thấy Odyssey còn khoảng 4 kg nhiên liệu đẩy, đủ để kéo dài nhiệm vụ đến cuối năm 2025.
Nhà hơi dofin gửi đến bạn đọc!