1. Hồ Baikal (1.642 m)
Hồ Baikal, viên ngọc của vùng Siberia, thường được xem như một kỳ quan thiên nhiên. Đây là hồ nước sâu nhất thế giới với độ sâu 1.642 m. Hồ nước cổ đại ước tính 25 triệu năm tuổi này chứa nhiều nước ngọt hơn bất kỳ hồ nào khác, chiếm khoảng 20% lượng nước ngọt bề mặt không đóng băng toàn cầu. Nước hồ trong suốt là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã độc đáo như hải cẩu Baikal hay còn gọi là Nerpa, loài hải cẩu nước ngọt duy nhất trên Trái Đất có số lượng ước tính khoảng 100.000 con.
Hồ Baikal có 27 hòn đảo, lớn nhất trong số đó là Olkhon, trải rộng 72 km. Hồ nước và khu vực xung quanh có đa dạng sinh thái phong phú với hơn 1.500 loài động vật được ghi nhận, 80% trong số đó là loài đặc hữu.
2. Hồ Tanganyika (1.470 m)
Hồ nước châu Phi này trải rộng qua 4 nước: Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Tanzania, và Zambia. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng đối với cộng đồng địa phương và điểm nóng dành cho đời sống thủy sinh. Nằm ở vùng Đông Phi, Tanganyika là hồ nước lớn thứ hai trên thế giới với độ sâu 1.470 m. Nhiều loài đa dạng sinh sống quanh hồ và hàng triệu người dân phụ thuộc vào hồ nước để kiếm kế sinh nhai. Một số loài phổ biến ở hồ Tanganyika là cá hoàng đế sặc sỡ, cá sấu và hà mã.
3. Biển Caspi (1.025 m)
Biển Caspi thường bị nhầm là biển do rộng mênh mông. Là hồ nước lớn nhất thế giới, biển Caspi nằm ở nơi giao nhau giữa châu Á và châu Âu. Với độ sâu 1.025 m, hồ có hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, bao gồm cá tầm. 5 nước là Nga, Kazakhstan, Turkmenistan, Iran, và Azerbaijan cùng giáp bờ hồ.
Biển Caspi có kích thước tương đương nước Nhật và bao phủ khu vực 370.000 km2. Phần phía bắc của nó khá nông, có độ sâu 4 – 6 m trong khi vùng phía nam chứa điểm sâu nhất nằm ở 1.025 m bên dưới mặt nước. Các sông Volga, Ural, và Terek đều chảy từ phương bắc và đổ vào biển Caspi chứa 50 hòn đảo nằm rải rác, dù hầu hết đều rất nhỏ.
4. Hồ Vostok (1.000 m)
Vùi sâu bên dưới lớp băng Nam Cực, hồ bên dưới sông băng này không có ánh sáng chiếu đến trong hàng triệu năm. Hồ Vostok bị che khuất bởi những thềm băng khổng lồ của Nam Cực nằm ở độ sâu 1.000 m bên dưới mặt băng. Dài hơn 257 km và rộng 48 km, hồ chìm trong bóng tối vĩnh cửu. Nơi sâu nhất của hồ nằm ở đầu phía nam, có thể vươn sâu gần 1.000 m, trái ngược với khu vực phía bắc và tây nam nông hơn.
Sự tồn tại của hồ nước ẩn kín này được đề cập lần đầu tiên vào thập niên 1990 bởi một nhà địa lý kiêm phi công người Nga khi quan sát từ trên cao. Tuy nhiên, mãi tới năm 1993, nhờ lập bản đồ radar trên vệ tinh, cộng đồng khoa học mới có thể xác nhận sự tồn tại của hồ Vostok.
5. Hồ O’Higgins/San Martín (836 m)
Nằm vắt qua vùng xa xôi hẻo lánh của Patagonia giữa Chile và Argentina là hồ sông băng O’Higgins/San Martín sâu khoảng 836 m. O’Higgins/San Martín là một trong những hồ sâu nhất thế giới kiêm trung tâm đa dạng sinh học và địa chất. Hồ nước này là nguồn nước và môi trường sống quan trọng đối với nhiều động vật hoang dã đa dạng, bao gồm một số loài cá và chim chỉ có ở vùng Patagonia.